Sự thiệt thòi của các DN KHCN
Rất nhiều DN, đặc biệt là DN KHCN, đang than trời về các chính sách khuyến khích đầu tư vào KHCN trong nông nghiệp, bởi một lẽ rất đơn giản: Trong một “rừng chính sách”, rất ít có chính sách cập được với thực tiễn.
Việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được Cty Thái Dương chú trọng từ rất sớm
Tháo chạy khỏi địa phương
15 năm trong lĩnh vực SX TĂCN và lợn giống, Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương được coi như DN đi đầu ứng dụng KHCN vào lĩnh vực này. Ngay từ năm 2001, nhà máy TĂCN tại Hưng Yên đã được đơn vị này đầu tư xây dựng với dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất vào thời điểm ấy.
Năm 2003, Cty Thái Dương xây dựng trại lợn giống, và đã NK bộ giống cụ kỵ từ Canada về nhân giống. Từ bộ giống 110 con lợn cụ kỵ (Landrace, Yorshire, Duroc), đến nay công ty cũng đã tạo được đàn giống cụ kỵ và ông bà gần 4.000 con, thành nhà cung cấp lợn giống chính của khu vực phía Bắc.
Năm 2006, nhận thức được chăn nuôi phải áp dụng KHCN mới đưa đến thành công, DN này đã mạnh dạn đầu tư gần 40 tỷ đồng để mua công nghệ liquid feeding (định lượng thức ăn dạng lỏng).
Cũng thời điểm này, Cty tiếp nhận công nghệ quản lý giống bằng phần mềm Herdsman của Mỹ. Phần mềm này cho phép Cty nghiên cứu và chọn lọc được những đàn hạt nhân có giá trị Index cao và giảm chi phí NK trong tương lai.
Phần mềm công nghệ cho phép ghi chép, lưu các số liệu di truyền qua nhiều năm, tính toán được giá trị giống (bằng phương pháp BLUP), tổ hợp được tổ hợp lai đạt giá trị giống cao, tránh được cận huyết, chọn lọc, loại thải.
Với công nghệ liquid feeding, công nghệ mới nhất của châu Âu, DN đã thực hiện được định lượng chính xác thức ăn cho từng nái, từng thời gian, công nghệ này sử dụng được cả phế phụ phẩm nông nghiệp và công nghệ thực phẩm, nguyên liệu tươi mà không cần phơi sấy, chăn nuôi công nghiệp rất phù hợp. Điều này đã làm cho chi phí giảm xuống từ 10 – 20%. Đó là lý do trong suốt thời kỳ khủng khoảng kinh tế, DN vẫn tồn tại và phát triển.
Giai đoạn 2011-2015, Cty Thái Dương được Bộ NN-PTNT giao thực hiện dự án khuyến nông “Phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo 2011-2015” tại 10 tỉnh. DN đã hoàn thành và đã chuyển giao thành công trên 1.000 hộ chăn nuôi, tổ chức tập huấn kỹ thuật được trên 4.000 lượt người chăn nuôi.
“Năm nay, chúng tôi chính thức trình Bộ NN-PTNT đề án nghiên cứu SX protein nấm men cao sản từ nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có để thay thế nguyên liệu NK như đỗ tương. Chúng tôi đã ký kết và mở thư tín dụng để nhập dây chuyền thử nghiệm lên men này với trị giá gần 80 tỷ đồng.
Nếu thành công thì DN sẽ tiếp tục đầu tư lớn hơn để SX và cung cấp cho thị trường nguồn nguyên liêu sinh học có giá trị dinh dưỡng tốt hơn. Chính công nghệ này sẽ làm thay đổi SX thức ăn chăn nuôi, tạo sự khác biệt sản phẩm chăn nuôi của chúng ta với thế giới”, ông Lê Quang Thành, TGĐ Cty Thái Dương, tự hào.
Tuy nhiên, một bài học mà ông Thành nhớ mãi, cũng là nỗi đau của Cty Thái Dương, đó là ngay từ năm 2003, DN, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, đã đầu tư một trang trại lợn giống quy mô hơn chục nghìn con tại huyện Đô Lương. Theo tính toán thì trang trại này sẽ cung ứng giống lợn chất lượng cao cho khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, người dân địa phương phản đối Cty Thái Dương với lý do trang trại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của dân.
Mặc dù đã đầu tư dây chuyền xử lý môi trường hiện đại, song với “quyết tâm” của người dân, từ năm 2009 đến năm 2011, hàng chục lần người dân kéo đến bao vây Cty, phá cơ sở vật chất và lùa lợn chạy khắp nơi. Đến cuối năm 2011, cực chẳng đã, Cty đã phải tháo chạy khỏi địa phương này, thiệt hại thống kê lên đến 50 tỷ đồng.
Ông Thành cho rằng, mặc dù rất chú trọng đầu tư nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong chăn nuôi, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền và người dân không có sự trợ giúp đối với DN, trái lại, còn gây rất nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến Cty Thái Dương và nhiều DN khác không còn mặn mà với việc đầu tư KHCN, mở rộng SXKD.
Hô khẩu hiệu nhiều quá!
Cty CP Dược và Vật tư thú y (HANVET), đến năm 2015, đã hoàn thành 5 công trình khoa học cấp Bộ, Nhà nước, cho kết quả nghiên cứu là 5 sản phẩm sinh học có ý nghĩa quan trọng đối với ngành chăn nuôi, đối với môi trường và cộng đồng.
Đó là Nghiên cứu và chế tạo kháng thể phòng và chữa bệnh viêm gan siêu vi trùng vịt ngan (Hanvet-K.T.V); Nghiên cứu và chế tạo kháng thể phòng và chữa bệnh Gumboro cho gà (Hanvet-K.T.G)... Theo ông Nguyễn Hữu Vũ, TGĐ HANVET, việc ứng dụng KHCN được DN coi là yếu tố sống còn.
“Có nhiều sản phẩm hóa dược của Cty được SX với công nghệ cao, nhận chuyển giao kỹ thuật từ các nước phát triển. Đó là các loại thuốc có tác dụng kéo dài, điều trị hiệu quả cao, giúp bà con chăn nuôi giảm số lần tiêm vào con vật, tránh nhờn thuốc, hạn chế strees cho vật nuôi, giảm tiêu tốn thức ăn, giảm giá thành trong quá trình điều trị. Nhóm kháng sinh công nghệ cao có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập mà giá chỉ bằng 1/2 đến 1/10 giá sản phẩm ngoại”, ông Vũ nói.
Tuy nhiên, thực trạng chung của các DN KHCN trong nông nghiệp là không được hưởng cơ chế ưu đãi thực tế, mà chính sách ưu đãi thực chất chỉ là “hô khẩu hiệu”. Ông Vũ cho rằng, chính sách nhiều, song thể hiện cụ thể ưu đãi chưa được bao nhiêu.
HANVET có nhà máy SX thuốc thú y, thủy sản, hóa chất gia dụng, SX vacxin với 5 dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, 4 dây chuyền đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2015, Cty đã có 10 dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP. Hệ thống phân phối gồm các chi nhánh và hơn 1.000 đại lý trên toàn quốc. Sản phẩm đã XK ra 20 nước trên thế giới. Có 3 sản phẩm hóa chất diệt côn trùng, ruồi muỗi được Bộ Y tế công nhận và đã trúng thầu nhiều năm trong chương trình đấu thầu quốc tế…
Tiếng tăm là thế, song sản phẩm của HANVET, trong các cuộc đấu thầu cung ứng trong nước, cũng không hề được ưu tiên.
“Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chúng tôi chỉ mong chủ trương đó được các cấp quản lý trong ngành nông nghiệp thông suốt và thực hiện tốt. Đặc biệt trong các dự án, các chương trình đấu thầu quốc gia nên có cơ chế ưu tiên cho sử dụng hàng Việt”, ông Vũ đề xuất.
Thực chất, theo ông Vũ, DN nông nghiệp của Việt Nam, khi tham gia đấu thầu cung cấp sản phẩm, thì nguy cơ bị loại ngay từ thủ tục đấu thầu, là rất lớn. Đơn cử như chủ đầu tư quy định các tiêu chí của đấu thầu như kinh nghiệm, chất lượng sản phẩm, nộp thuế, nhân sự... thì DN Việt đã không phải là đối thủ của các DN FDI. Ngoài ra, các chính sách đấu thầu cũng không có bất cứ quy định nào cho thêm điểm các DN KHCN trong nông nghiệp...
“Việc đấu thầu thuốc thú y, hay dược phẩm cũng như câu chuyện Vua Hùng kén rể. Vì ưu đãi Sơn Tinh nên trong vật phẩm cung tiến toàn những thứ trên cạn như voi chín ngà, gà chín cựa... Tại sao không đòi cá voi, thuồng luồng dưới biển? Rõ ràng, việc khuyến khích các DN Việt Nam đầu tư vào KHCN trong nông nghiệp đang chỉ là hô khẩu hiệu mà quá xa rời thực tế”, ông Vũ nói.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tin khác
-
12/17/2015 - 11:49
-
12/04/2015 - 15:16
-
Thái Dương tổ chức thành công hội thảo “chăn nuôi lợn, cơ hội và thách thức, tái cơ cấu nông nghiệp”11/18/2015 - 12:03
-
11/14/2015 - 10:08
-
11/10/2015 - 15:51