Sản xuất lợn giống ngoại từ đàn cụ kỵ
Nhập khẩu lợn giống cụ kỵ chất lượng cao từ Đan Mạch
Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương là một trong những đơn vị đi đầu về việc nhập khẩu các giống lợn chất lượng cao để sản xuất giống, cung ứng hàng vạn con giống tốt cho thị trường mỗi năm.
Đầu tháng 11 năm nay, công ty Thái Dương đã nhập thêm 70 con lợn giống cụ kỵ (bao gồm các giống Landrace, Large white (Đại bạch), Duroc) từ tập đoàn Danbred Đan Mạch về Việt Nam thông qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Những con giống này được chọn từ đàn giống có giá trị di truyền tốt nhất tại Đan Mạch, và cũng là một trong 10 tập đoàn giống tốt nhất trên thế giới hiện nay. Giá trị Index của mỗi con cao nhất (từ 127 – 140), và cũng là lần đầu tiên việc mua giống cụ kỵ từ nước ngoài về Việt Nam được chọn theo giá trị di truyền giống.
Đây là lần thứ 4 công ty Thái Dương nhập giống từ nước ngoài về Việt Nam. Dòng cụ kỵ này sẽ bổ sung thêm nguồn gen có giá trị cao cho đàn hiện có của công ty. Đưa tổng đàn cụ kỵ của công ty lên tới 1000 con, lớn nhất Miền Bắc hiện nay. Đồng thời sự kiện này cũng xác lập một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của công ty: Thái Dương trở thành đơn vị sản xuất thịt lợn thương phẩm lớn thứ 2 tại Miền bắc với tổng đàn gần 60.000 con.
Nói về lý do tại sao Thái Dương lựa chọn Đan Mạch để thực hiện những bản hợp đồng mua bán lợn giống trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng, ông Lê Quang Thành, Giám đốc công ty cho biết: Nếu xét về năng suất sinh sản; năng suất tăng khối lượng/con/ngày và cả chất lượng thịt, thì Đan Mạch là quốc gia đứng đầu. Sau đó đến Mỹ, Tây Ban Nha, Việt Nam, Trung Quốc... Mặc dù dân số chỉ khoảng 6 triệu dân (gần bằng dân số tỉnh Thanh Hoá nước ta), diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa đầy 3 triệu ha (bằng 1/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam), nhưng tổng đàn lợn của Đan Mạch lại đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Điều đó chứng tỏ ngành công nghiệp chăn nuôi lợn của Đan Mạch đã đạt đến đỉnh cao, đem lại giá trị to lớn cho quốc gia.
Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, tôi được biết các doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi lợn ở Đan Mạch đã thành lập và quản lý Trung tâm nghiên cứu heo Đan Mạch nhằm sản xuất, thử nghiệm các giống heo cao sản và tư vấn cho người nông dân. Ngoài ra, để tránh phụ thuộc vào giá cả thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, nông dân Đan Mạch đã chủ động một phần bằng cách tự trồng thức ăn chăn nuôi.
Ngày nay khoa học trong chăn nuôi của Đan Mạch đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực di truyền giống lợn. Chỉ tiêu này quyết định đến tốc độ sinh trưởng (ADG) tới 30 -40%; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể (30 -40%); chất lượng thịt.
Quản lý di truyền giống nghiêm ngặt
Các giống lợn ngoại như Landrace, Large white, Duroc không còn xa lạ đối với nông dân Việt Nam. Tính thích ứng cao với môi trường nhiệt đới nóng ẩm nước ta; khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh và chất lượng thịt thơm ngon, độ nạc cao của các giống lợn này đã được thực tiễn kiểm chứng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cung ứng lợn giống hiện nay có tư tưởng chạy đua về mặt số lượng con giống, mà chưa quan tâm đến khâu quản lý chất lượng giống và đầu tư các dòng cụ kỵ có nguồn gen tốt. Theo Viện Chăn nuôi, giống lợn được quản lý bằng sơ đồ giống hình tháp 4 cấp theo chuỗi mới được áp dụng khoảng 5% về số lượng và 12% về sản lượng thịt. Điều này dẫn đến nguy cơ thoái hoá giống cao, các đặc tính tốt của giống ngày càng mất dần.
Đất nước chúng ta đang đối mặt với một thực trạng đáng buồn, đó là năng suất chăn nuôi thấp, chi phí cho 1 kg tăng khối lượng cao. Do đó, giá bán cao, không đủ sức cạnh tranh quốc tế. Người tiêu dùng phải mua thực phẩm thịt nội với giá cao. Chính vì vậy công tác giống phải được coi trọng hơn nữa. Việc làm giống không phải là một năm, hai năm là có thể làm được, đòi hỏi tốn nhiều thời gian, ít nhất hàng 10 năm. Và để có bộ giống của riêng mình thì cần phải mất ít nhất là 20 năm. Trong hai mươi năm đó phải có con giống cụ kỵ thật tốt, cần có đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng cao, và phải có tình yêu nghề nghiệp. Ngoài ra cần có công nghệ và công cụ quản lý, chọn lọc giống tối tân.
Công ty Thái Dương đã quy tụ được một đội ngũ chuyên gia chăn nuôi có kiến thức và kỹ năng cao gồm 2 giáo sư, hơn 100 kỹ sư, thạc sĩ để thực hiện công đoạn nghiên cứu và sản xuất giống lợn ngoại chất lượng cao tại Việt Nam. Đàn giống cụ kỵ được quản lý bằng công nghệ Herdsman để quản lý di truyền giống một cách nghiêm ngặt.
Đến năm 2018 với bộ giống cụ kỵ như vậy, công ty Thái Dương sẽ đưa tổng đàn nái của cty lên tới 100.000 con nái bố mẹ và 10. 000 lợn nái ông bà. Đây là bộ giống từ Đan Mạch có năng suất cao nhất trên thế giới hiện nay. Trong 3 năm tới, mục tiêu của chúng tôi là sản xuất ra đàn cụ kỵ tại Việt Nam với giá trị di truyền giống tốt, nhằm cải thiện chất lượng giống hiện có ở nước ta và của chính công ty.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa con giống này để nhân giống, chọn lọc tiếp tục tạo ra các dòng giống mới chất lượng cao. Sau 10 năm tới công ty sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 72.000 con lợn giống các loại; trên 2 triệu con thương phẩm các loại. Trở thành công ty lớn nhất khu vực phía bắc Việt Nam.
Lợn giống cụ kỵ Nhập khẩu Đan Mạch về sân bay Nội Bài năm 2013