Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp? Ngành chăn nuôi lo bị đè bẹp

TP - Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chăn nuôi trong nước sẽ sớm bị làn sóng thịt ngoại giá rẻ nhấn chìm, nhiều doanh nhân nhận định.
Năng suất nuôi lợn ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Mỹ. Ảnh: Như Ý.Năng suất nuôi lợn ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Mỹ. Ảnh: Như Ý.

Lo thịt ngoại đè thịt nội

Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Thanh Bình, cho rằng, với tham gia TPP, 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”. Theo ông, thị trường thịt bò đã “tiêu” rồi, thịt gà đang “ngắc ngoải”, còn thịt lợn có thể sẽ “đi” nhanh hơn.

Ông Bình cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam “chết” là vì năng suất quá thấp. “Có người nói, năng suất nuôi lợn của ta chỉ bằng 50-70% so với Mỹ, nhưng nhìn thẳng vào vấn đề thì chỉ bằng khoảng 30% của người ta. Một con heo nái của Mỹ hay của Đức cho năng suất tới 2,6 tấn thịt hơi/năm, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 650 kg hơi/năm”, ông Bình nói.

Theo ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương, ở những nước như Mỹ, với thịt gà, người ta chủ yếu dùng ức, nên giá bán tới 7,5 USD/kg ức, còn cánh, đùi gà chỉ mấy xu, vì họ không ăn mà dùng để sản xuất bột thịt cho thức ăn chăn nuôi. “Nhưng ở Việt Nam, những món đó là khoái khẩu. Đây cũng là lý do thịt gà của Việt Nam không cạnh tranh được”, ông Thành nói.

“DN muốn tồn tại dài hạn, phải suy nghĩ nghiêm túc, trung thực với sản phẩm, cách kinh doanh của mình. Mình phải sản xuất hàng chất lượng tốt, ổn định, xây dựng uy tín, thương hiệu một cách nghiêm túc. Không thể chạy theo kiểu ăn xổi, tạm thời”.

Ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương 

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nói rằng, khi ký kết TPP, đáng lo nhất là thịt bò nhập từ Úc, thịt lợn, thịt gà nhập từ Mỹ. Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 3.300 tấn thịt lợn (trong đó Mỹ chiếm hơn 50%), chiếm chưa tới 0,1% lượng thịt tiêu thụ trong nước mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông Vang, thịt lợn nhập khẩu chủ yếu là đông lạnh, trong khi người Việt thích dùng hàng tươi sống, nên mức độ ảnh hưởng sẽ không cao.

Trong khi đó, thịt bò phải cạnh tranh khốc liệt với thịt ngoại, nhất là từ Úc, vì nước ta ít đồng cỏ, quỹ đất ít, nên khó phát triển đàn bò. “Để cải tạo đàn bò, phải mất rất nhiều thời gian, trung bình phải 100 năm, trong khi những năm qua, chúng ta cải tạo chưa toàn diện. Để nuôi một con bò, đầu tư hàng chục triệu, nuôi đến khi giết thịt thường mất tới 3 năm, thời gian quá lâu gây ứ đọng vốn. Trong khi đó, nuôi gà, lợn chỉ vài ba tháng là có thể thu hồi vốn”, ông Vang nói.

Phải cải thiện khả năng kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, chính các hiệp định thương mại cũng tạo ra áp lực giúp DN trong ngành tự đổi mới, cạnh tranh với nước ngoài. Ông Thành cho rằng, lúc bị “dồn vào chân tường” cũng là lúc để DN tìm đến bài học về đầu tư bài bản, đúng hướng, chuyên nghiệp để tăng cạnh tranh. “Với DN Việt Nam, về kỹ thuật thì tương đối tốt, nhưng khả năng kinh doanh không cao. Họ thường hay làm theo phong trào. Ở đây, phải tính toán kinh doanh heo, chứ không phải nuôi heo”, ông Bình nói.

Theo ông Thành, để DN Việt Nam có sức cạnh tranh, Nhà nước cần hỗ trợ để có dòng vốn dài hạn, từ đó DN mới đầu tư vào công nghệ hiện đại. Ông nói: “Cái này là đầu tư sản phẩm cho tương lai. Khi ký các hiệp định, Việt Nam cần xem xét lại hàng rào kỹ thuật, cái nào chính phẩm, cái nào phụ phẩm. Hàng dùng cho gia súc thì chỉ dùng cho gia súc thôi, hay hàng có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh thì phải ngăn cấm”.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, việc tham gia các hiệp định cũng có sức ép nhất định, nhất là đối với những ngành thời gian qua chúng ta bảo hộ, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. “Việt Nam phải chấp nhận giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường với một số nông sản mà lâu nay chúng ta phải bảo vệ sản xuất trong nước, như mặt hàng đường, chăn nuôi… Việc này là để đổi lấy mở cửa của nước khác với hàng nông sản của nước ta”, ông Phát nói.

 

(Nguồn http://www.tienphong.vn)

Share